CÂU CHUYỆN SẢN PHẨM

“MĂNG KHÔ BẢN THÁI”

Như Thanh là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa. Có vị trí địa lý: Phía đông giáp với Nghi Sơn và Nông Cống; phía tây giáp với huyện Như Xuân và huyện Thường Xuân; phía nam giáp với huyện Quỳnh Lưu thuộc tỉnh Nghệ An. Nơi đây có nhiều khu du lịch, thăm quan nổi tiếng như: Vườn quốc gia Bến En, Hang Lò cao, Hang Ngọc, Núi Nưa (giáp ranh với huyện Triệu Sơn)…Về với Như Thanh còn được nhắc đến những đặc sản nổi tiếng như Nem lợn mán, Măng khô…

Xã Cán Khê thuộc huyện Như Thanh, Thanh Hóa nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên với những dãy núi xanh ngát, rừng tre, nứa bạt ngàn. Người dân xã Cán Khê nổi tiếng với sự cần cù, chăm chỉ và thân thiện. Họ sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng cũng không ngừng sáng tạo để phát triển các sản phẩm thủ công và nông sản đặc biệt. Nổi bật trong đó là sản phẩm “Măng khô bản thái” của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Cán Khê. Hình thành từ những năm 2004 do anh Lê Bá Ninh đứng ra làm Giám đốc. Hợp tác xã hoạt động chủ yếu các ngành nghề về dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp.

Sản phẩm “Măng khô bản thái” là một sản phẩm tâm huyết của Hợp tác xã, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, nguồn lao động dồi dào, chi phí thuê nhân công lại rẻ. Măng khô không chỉ là một nguyên liệu nấu ăn đơn thuần mà còn chứa đựng tình yêu và tâm huyết của người dân địa phương. Trong măng có rất nhiều chất dinh dưỡng được kể đến như: Chất xơ, vitamin A, B6 và E, chất khoáng, Protein, có hàm lượng chất béo thấp nên rất tốt cho người ăn kiêng hoặc muốn giảm cân.

Theo anh Ninh Giám đốc hợp tác xã cho biết mùa măng bắt đầu từ đầu mùa xuân, khi những mầm măng non từ rừng tre, trúc phát triển mạnh mẽ nhất. Người dân địa phương, với kinh nghiệm và kỹ thuật thu hoạch lâu đời, lựa chọn những mầm măng tươi ngon nhất. Sau khi được thu mua về, công nhân trong Hợp tác xã sẽ tiến hành sơ chế và làm sạch để giữ được độ tươi và hương vị tự nhiên. Măng sau khi được sơ chế sẽ được đưa vào những nồi lớn để luộc. Công đoạn này không những giúp loại bỏ các độc tố có trong măng, các loại tạp chất mà còn làm tăng độ dai và giữ được màu sắc tươi sáng của măng. Tiếp theo công nhân tiến hành bóc vỏ, rửa sạch và cắt thành những miếng nhỏ đều đặn. Măng được phơi hoàn toàn bằng ánh nắng tự nhiên nên có màu sắc và hương vị thơm ngon nhất. Thời gian phơi kéo dài từ 3-5 ngày, tùy thuộc vào thời tiết. Công nhân thường xuyên phải kiểm tra và lật đảo măng để đảm bảo tất cả miếng măng đều khô đều. Khi măng đã đạt độ khô hoàn hảo, sẽ được thu gom, phân loại và được đóng gói vào các túi zip loại 300g, 500g, 1kg. Dán tem nhãn, bao bì, tem truy suất nguồn gốc đảm bảo theo quy định.

Với những quy trình chế biến khắt khe và đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm từ các khâu, đã tạo ra sản phẩm “Măng khô bản thái” chất lượng tuyệt hảo nhất với hương vị đặc trưng của núi rừng. Để nâng cao giá trị của sản phẩm, nâng tầm thương hiệu, Hợp tác xã đã xây dựng logo riêng bảo hộ cho sản phẩm măng khô, nhằm mục đích khi ra thị trường khách hàng không bị nhầm lẫn với các sản phẩm của các đơn vị khác. Ngoài ra còn thiết kế tem nhãn mác, túi đựng sản phẩm bắt mắt để không những sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày của người dân mà còn hướng đến sản phẩm là món quà đặc sản dành tặng cho du khách gần xa mỗi dịp ghé đến vùng đất Thanh Hóa.

Sản xuất và kinh doanh sản phẩm “Măng khô bản thái” đã mang lại cơ hội việc làm cho người dân địa phương với mức lương cơ bản từ 5.500.000 – 7.000.000 đồng/người/tháng giúp có thêm nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Không những thế nghề sản xuất măng khô còn là một nét văn hóa truyền thống lâu đời của Huyện Như Thanh, khi sản phẩm được tiêu thụ mạnh nó sẽ góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.